Làng điện ảnh thêm một đạo diễn tài năng

Làng điện ảnh thêm một đạo diễn tài năng

Giá như NSND Bùi Cường còn sống, ông sẽ được nhìn thấy bộ phim đầu tiên ra mắt hãng phim mang tên mình thực sự ấn tượng. Chưa bao giờ trong phim Việt, lại có một chú chó đóng phim tài tình đến thế?

“Cậu Vàng” là bộ phim đầu tiên của Hãng phim Bùi Cường. Thực sự là duyên mệnh. Năm 35 tuổi, diễn viên Bùi Cường đã “đóng đinh” tên tuổi mình vào vai diễn Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy (đạo diễn Phạm Văn Khoa (1914-1992). Nhà văn Đoàn Lê (1943-2017) đã “nhào trộn” ba tác phẩm “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao để thành kịch bản phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Từ diễn viên, NSND Bùi Cường chuyển sang đạo diễn phim truyền hình. Nhưng không bộ phim nào thực sự đem lại tên tuổi cho ông vượt qua được cái bóng “Chí Phèo”. Duyên mệnh đó “xui khiến” ông lao tâm khổ tứ viết kịch bản “Bữa cơm cuối cùng của Lão Hạc”.

Tức là lại xoay tròn về với làng Vũ Đại của Nam Cao. Nhân vật chính và “trọng tâm” phim đổ dồn cho vai diễn Lão Hạc. Nhà đầu tư đã đồng ý sản xuất. Thế nhưng, NSND Bùi Cường đột ngột… bị tai biến. 10 ngày sau ông qua đời.

Nhà đầu tư hẫng hụt. Trước nay họ chỉ làm việc, tin và chấp nhận đầu tư vào danh tiếng “Chí Phèo” Bùi Cường. Không lẽ vốn liếng tan vào mây khói? Nhưng liệu có nên tin vào Trần Vũ Thủy – chàng con rể của Bùi Cường, một người chưa từng làm phim điện ảnh?

Đạo diễn Trần Vũ Thủy kể: Mất một thời gian dài gần năm, nhà đầu tư lưỡng lự với một đạo diễn trẻ chỉ chuyên theo bố vợ làm phim truyền hình, nhưng rồi họ cũng chấp nhận “chơi”. Mà không chỉ với nhà đầu tư, chính tôi cũng coi đây là phim mình phải chơi hết mình.

NSND Bùi Cường không chọn cách như nhà văn Đoàn Lê khi viết kịch bản “Bữa cơm cuối cùng của Lão Hạc”. Ông không chọn một hay gom cả ba tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao lại để chuyển thể. Ông đã phóng tác một câu chuyện hoàn toàn mới nhưng trên nền bối cảnh một làng quê Vũ Đại, với những nhân vật có tên gọi thân quen như Lão Hạc, Bá Kiến, Lý Cường, Binh Chức, giáo Thứ, bà cả, bà hai, bà ba… Và với kịch bản phim truyện đầu tay được sản xuất này, ông thực sự ghi tên mình vào một danh hiệu nghệ sĩ mới – nhà biên kịch.

Nhưng, nhà biên kịch Bùi Cường chắc chắn có lẽ sẽ vô cùng ngạc nhiên và hài lòng khi chàng con rể đã làm một việc tày đình. Đó là đẩy cho mình vào một tình cảnh khó khăn hơn để làm phim. Kịch bản được điều chỉnh lại và lấy tên là “Cậu Vàng”. Vàng là con chó của Lão Hạc. Tức là nhân vật chính và trọng tâm của câu chuyện sẽ đổ dồn lên một động vật…

Bà Kim Mùi, vợ cố NSND Bùi Cường nói: “Nhà đầu tư và chúng tôi phải chấp nhận mọi khó khăn để casing nhân vật Cậu Vàng. Tuyển được Cậu Vàng rồi thì phải lo cho cậu ăn học. Tính ra mỗi tháng chi phí khoảng 25 triệu đồng để huấn luyện. Cũng may cậu sáng dạ nên học vài tháng đã diễn xuất rất tốt…” .

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, động vật (chó, ngựa, voi, lợn…) thủ vai diễn trong phim không ít. Nhưng chắc chắn một điều – Đây là lần đầu tiên một chú chó có diễn xuất thành công và gây kinh ngạc nhất. Thuần thục các động tác diễn là chuyện thường.

Cái khó là diễn xuất, biểu lộ tình cảm của Cậu Vàng với Lão Hạc và gầm gè căm hận muốn cắn xé cha con Bá Kiến, Lý Cường và lũ tay sai. Bà Kim Mùi cho biết: Dù phim đã quay xong, nhưng tôi vẫn chăm nuôi Cậu Vàng. Mỗi khi gặp lại Lão Hạc (Viết Liên đóng) nó mừng lắm”.

Không chỉ vậy, Cậu Vàng còn có sức cảm hóa Binh Chức với câu nói: “Đến con chó nó còn biết sống sao cho phải đạo nữa là con người”. Trong phim, khán giả sẽ mãn nhãn với màn đấu chó để tranh chức bá chủ. Tất nhiên, để màn quay được như ý, các nhà làm phim không chỉ quay nhiều “pha” mà còn sử dụng tới kỹ xảo.

Một câu chuyện phim “rất chất” đồng bằng Bắc bộ với những cảnh quay được lựa chọn kỹ lưỡng bối cảnh và dàn dựng. Cộng thêm yêu cầu khe khắt của đạo diễn đã làm nên thành công của bộ phim. Diễn viên Viết Liên được yêu cầu để râu mọc thật dài (mất gần nửa năm nuôi) chứ không dùng râu giả. Có lẽ chính sự cầu toàn này mà sau đó, đạo diễn Trần Vũ Thủy cho biết: “Dù muốn quay lại một, hai đúp phim theo ý tưởng mới nhưng không thể, vì… Lão Hạc cạo mất râu rồi”.

Ngoài Cậu Vàng, chắc chắn khán giả sẽ ấn tượng với vai diễn Lão Hạc của Viết Liên. Nếu như nhà văn Kim Lân gây ấn tượng với vai diễn Lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” qua câu nói thểu não, đau đớn: “Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ”, thì câu nói mệt nhọc nhưng trầm tĩnh của Lão Hạc khi vật nhau với Bá Kiến lăn từ trên đê xuống ruộng trong phim Cậu Vàng: “Để rồi xem, chưa biết mỉu nào cắn mỉu nào!” của Viết Liên cũng chẳng kém gì.

Nội dung phim vẫn xoay quanh chuyện của làng Vũ Đại như chuyện sưu cao thuế nặng, đè nén áp bức dân của cha con Bá Kiến, Lý Cường và lũ cường hào ác bá. Đỉnh cao là âm mưu hết lần này đến lần khác dở mọi thủ đoạn home để hòng chiếm đoạt mảnh đất có long mạch của Lão Hạc.

Bên cạnh đó còn có dòng trữ tình tưởng như “lạc đề” nhằm kéo dài kịch tính của phim. Đó là chuyện tình cảm của bà ba (Băng Di đóng) – một người trong Nam được Bá Kiến (Hữu Châu đóng) mua về với người tình bỏ xứ đi tìm; Là tình cảm trớ trêu của Lý Cường (Will đóng) với bà ba – mẹ kế; Là chuyện hục hặc giành giật nhau của bà cả (Chiều Xuân đóng), bà hai (Khánh Huyền đóng) với bà ba…

Cái chết của Lão Hạc như một sự tất yếu để gìn giữ mảnh đất cho con trai đã bỏ đi biệt xứ. Nhưng Lão Hạc chết chưa phải là… hết phim. Nếu xem phim, khán giả sẽ thấy đạo diễn Trần Vũ Thủy thực hiện một cái kết vô cùng táo bạo, đạt mức “kinh điển”.

Đó là ai sẽ đứng ra giải quyết, phán quyết công lý, công bằng khi Lão Hạc, giáo Thứ, Binh Chức bất lực trước cường quyền? Một cái kết hoàn toàn bất ngờ nhưng lại nhân văn, phù hợp với truyền thống truyện kể dân gian dân tộc…

Với phim truyện đầu tay, không ít đạo diễn trẻ thường bị “hụt hơi” ở nửa cuối phim. Nhưng với Cậu Vàng, 20 phút cuối của bộ phim dài 90 phút này chắc chắn sẽ khiến khán giả không thể dời mắt nổi.