2. Rồi sự cố lớn xảy ra: NSND Bùi Cường đột ngột qua đời vì bạo bệnh, để lại một dự án dang dở và tâm huyết một đời của mình. May mắn thay, ông đã có một “hậu duệ” đáng tin cậy, một học trò và là người con rể xứng đáng mà ông đã quan sát, lựa chọn, dạy dỗ và gửi gắm cả gia đình cùng sự nghiệp của mình.
Nhưng cũng với đạo diễn trẻ Trần Vũ Thủy, kịch bản Cậu Vàng một lần nữa có sự chuyển dịch đáng kể. Hiểu rõ trách nhiệm trước sự gửi gắm của bố vợ cũng là người thầy nghệ thuật của mình, Trần Vũ Thủy chịu một áp lực có lẽ còn lớn hơn cả bố vợ anh khi chấp bút kịch bản này.
Làm sao để không làm hỏng tâm nguyện của bố? Làm sao để khán giả chấp nhận tác phẩm đầu tay của mình? Làm sao để bộ phim được ra đời mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ của chính mình? Bởi cũng như bố vợ – và là thầy của mình – Trần Vũ Thủy là một nghệ sĩ đích thực với ham muốn được bộc lộ bản thân, nhưng đồng thời luôn ý thức nghĩa vụ không được để dồng vốn của các nhà đầu tư bị uổng phí.
( Đạo diễn Trần Vũ Thủy nhận trọng trách khi bắt tay vào thực hiện bộ phim theo tâm nguyện của người Bố, cũng như là người Thầy của mình )
Vốn là một người trẻ thuần Nam Bộ, tham gia vào quá trình hình thành kịch bản phim từ lúc nó còn là một ý tưởng manh nha, Trần Vũ Thủy đã phải dùng đến 200% công lực để hiểu rõ, thấu cảm cái đẹp, cái triết lý ẩn sâu trong cuộc đời người nông dân và làng quê Bắc Bộ gần 100 năm trước.
Khi trách nhiệm thực hiện bộ phim đặt lên vai mình, Trần Vũ Thủy đã rất cầu thị, tìm đến những người bạn thân thiết của NSND Bùi Cường để hiểu thêm thầy mình, và tìm kiếm một sự chỉ dẫn, một sự giúp đỡ tận tình. Và anh đã được NSƯT Phi Tiến Sơn chấp nhận đồng hành. Với sự khắt khe của thầy Phi Tiến Sơn, với sự nỗ lực đầy đam mê của bản thân, Trần Vũ Thủy đã hoàn thành được sứ mệnh nặng nề ấy.
( Đạo diễn Trần Vũ Thủy và hai diễn viên: Viết Liên vai ” Lão Hạc ” – NSƯT Hữu Châu vai ” Bá Kiến ” )