Phim điện ảnh Cậu Vàng gây rất nhiều tranh cãi gay gắt từ những ngày đầu tuyển chọn diễn viên. Khán giả cho rằng đoàn làm phim nên tôn trọng nguyên tác và đi tìm một chú chó thuần Việt để đóng vai cậu Vàng. Việc chọn Quốc khuyển Nhật Bản đóng phim Việt là không hợp lý. Ai mà chả muốn chọn Quốc khuyển Việt đóng phim Việt. Nhưng sự thật là sản xuất một tác phẩm điện ảnh là cả một hành trình nhiêu khê hơn lý thuyết rất nhiều.
Đạo diễn Trần Vũ Thủy và bố vợ – cố NSND Bùi Cường là những người dành ra xấp xỉ 10 năm nuôi nấng kịch bản Cậu Vàng. Dĩ nhiên, đây hẳn là những người khát khao đưa ra một tác phẩm chỉn chu nhất cho khán giả. Nhưng vì sao phải chọn một chú Shiba đóng vai chính? Quá trình đi tìm một chú diễn viên “4 chân” cho phim Việt nhọc nhằn thế nào? Phải nghe người làm phim ngồi xuống giãi bày mới hiểu hết được.
Quá trình casting diễn viên vào vai Cậu Vàng đã diễn ra như thế nào?
Đi tìm “Cậu Vàng”, đối với tôi và cả bố vợ (Tác giả kịch bản – PV) là một cuộc hành trình. Chúng tôi liên hệ và được giới thiệu rất nhiều ứng viên. Hơn 10 người chủ – huấn luyện viên tìm đến tôi. Trong đó có rất nhiều chó thuần địa phương xuất hiện. Tôi đã linh động sắp xếp để mỗi chú chó đều có cơ hội thử vai. Nhưng khi vào thực tế, những yêu cầu của tôi khắt khe và gần với kịch bản phim nên những ứng viên đó chưa làm được. Ngay cả khi chủ nhân ra lệnh, những chú chó đó vẫn thực hiện kiểu hên – xui, thậm chí là… bỏ đi.
Ở buổi casting ngoài Hà Nội, ekip chọn ra được 4 – 5 ứng viên trong đó có chú Shiba xuất hiện trong phim còn lại là 4 chó cỏ – chó ta. Trải qua nhiều vòng sát hạch, chú Shiba thể hiện nhiều biểu hiện giống Cậu Vàng nhất. Đồng ý với khán giả là có thể còn nhiều chú chó thuần Việt thông minh và phù hợp với yêu cầu của tôi. Nhưng cơ duyên chưa cho phép đoàn phim gặp được.
Tố chất cụ thể cho một “diễn viên 4 chân” mà đạo diễn đi tìm là gì?
Chú chó ấy ít nhất phải hiểu và thực hiện được lệnh của chủ, chứ chưa nói đến huấn luyện viên. Người nuôi dưỡng là đối tượng gần gũi và thấu hiểu chú nhất. Nếu ngay cả chủ mà chú chó còn không hoàn toàn nghe lời, thì khi gặp môi trường làm việc khác hoặc các yêu cầu diễn xuất khó khăn hơn, chú sẽ không làm được.
Khi giao lưu với cả đoàn phim, chú chó diễn viên phải hoà đồng. Để khi đến bối cảnh, chú không bị e sợ hoặc mất bình tĩnh. Phim có rất nhiều bối cảnh, và sự xuất hiện của Cậu Vàng ở khắp nơi từ nhà Lão Hạc đến ruộng sắn, ruộng ngô. Chúng tôi cần một diễn viên thích nghi tốt, “thiên tính xã hội” cao.
Những chú chó được chọn đã trải qua quá trình huấn luyện cho vai diễn như thế nào?
Ở các trung tâm, thường khoá huấn luyện dài 3 tháng. Nhưng do lịch quay gấp rút nên chúng tôi chỉ thực hiện rèn luyện thêm cho các chú trong hơn 1 tháng. Cũng may là nhờ có các huấn luyện viên nhiệt tình hỗ trợ, chú chó vào vai Vàng đã hoàn thành tốt. Đoàn còn thu về được một dàn diễn viên “thứ chính” vô cùng xuất sắc. Có 2 “em” chó đạt thành tích cao nhất. Đó là Vàng và một diễn viên thứ chính khác mà sẽ đem tới bất ngờ cho khán giả.
Cần giải thích thêm, đó là tôi chọn ra một nhóm ứng cử viên cho đi huấn luyện. Chú Shiba – cũng là “Thủ khoa” của khoá vào vai Cậu Vàng. Những em còn lại sẽ đóng vai thứ chính và phụ.
Có tin đồn cho rằng chú Shiba thực ra được chọn từ trước, buổi casting chỉ để “che mắt”. Đạo diễn nghĩ sao?
Đó là tin đồn không chính thống. Tôi không hiểu tin đồn xuất phát từ đâu nhưng từ phía ekip, những người có thể phát ngôn cho tác phẩm, không ai đưa ra thông tin như vậy.
Đồng thời, tôi làm phim để vinh danh bố vợ – cố NSND Bùi Cường – và cố đạo diễn Phạm Văn Khoa, người cho bố tôi vai diễn Chí Phèo (Trong phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy – PV). Vậy để vinh danh thì đoàn phim phải sản xuất chỉn chu và không thể làm ẩu.
Vẫn còn tồn tại mâu thuẫn giữa nguồn gốc chú chó Shiba và bối cảnh lịch sử của tác phẩm văn học Lão Hạc. Khi thực hiện dự án, đạo diễn có nghĩ đến điều này?
Ekip và bản thân tôi rất hiểu về tính chất của dự án và tác phẩm văn học. Tuy nhiên, Cậu Vàng được cố NSND Bùi Cường lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao. Với khái niệm “lấy cảm hứng” thì người làm phim được sáng tạo cho câu chuyện sinh động, miễn vẫn giữ được tinh thần, ý nghĩa của tác phẩm gốc. Cách kể chuyện của bố tôi vô cùng mang hơi thở thời đại. Ông mượn câu chuyện của ngày xưa, kể lại bằng phong cách mới mẻ. Đó là giá trị tình làng nghĩa xóm, giữa người với người, giữa người – động vật. Không khai thác về khía cạnh lịch sử và chính trị, phim tập trung về cuộc sống của người nông dân.
Ranh giới giữa “quay phim” và “bạo hành, ngược đãi” động vật được ekip đặt ra ở đâu?
Có nhiều tin đồn cho rằng có hai chú chó ta được dùng làm “bao cát” thay cho Cậu Vàng Shiba. Tôi khẳng định rằng thông tin này không chính thức từ đoàn phim cũng từ đạo diễn. Suốt cả dự án Cậu Vàng, một mình chú Vàng thực hiện hết mọi phân cảnh.
Trong quá trình sản xuất, tôi hoàn toàn dựa vào khả năng của nhân vật chính – chú chó Vàng. Đôi khi chú không chịu quay nữa, thì đoàn phim cũng buông xuôi và cho chú đi chơi. Khi chú chó mệt, đoàn phim cũng không thể ép mà đành nợ lại cảnh rồi chuyển qua quay người.
Có đội ngũ y bác sĩ, thậm chí là chuyên gia tâm lý để chăm lo cho Vàng bao gồm 5 – 7 người. Một chuyên gia tâm lý đảm bảo về vấn đề tâm sinh lý, một bác sĩ lo sức khỏe và những thành viên hỗ trợ. Vàng có riêng nhân viên chuyên cầm nước uống, cầm ô che nắng v.v…
Còn với những cảnh quay khó, cụ thể là cảnh cắn nhau của cậu Vàng, đạo diễn đã xử lý ra sao?
Với những cảnh quay khó, chúng tôi sắp xếp luyện tập kỹ trước khi quay. Cụ thể là cảnh cắn nhau với bầy trâu, bảo vệ mảnh vườn của Lão Hạc. Riêng cảnh quay cậu Vàng cắn nhau với những chú chó khác, cả hai chú chó tham gia chính đều được huấn luyện viên cầm cương kỹ. Hai chú chỉ cắn nhau như đã luyện tập, tiến vào phân đoạn khó hơn, tôi dùng kỹ xảo hỗ trợ thêm để có hiệu ứng tốt nhất.
Chọn lựa một chú chó quá thân thiện với tất cả mọi người lên trường quay, có ưu và nhược điểm gì?
Đoàn phim phải đối mặt với vấn đề là sự tập trung của “nhân vật chính”. Chú rất dễ bị lo lắng, mất tập trung. Cảnh quay đang rất buồn mà chỉ cần liếc ngang thấy ai cầm thức ăn, hay làm gì vui là chú sẵn sàng chạy theo, bỏ cảnh luôn!.
Nhân vật chính bốn chân của Cậu Vàng cực kỳ tùy hứng. Có khi đang bấm mà chú chán, thế là không đóng nữa. Hoặc khi đang quay cảnh buồn mà cậu Vàng… không thấy buồn (tức là không nhập vai – PV), cả đoàn cũng phải dừng lại. Chờ cậu Vàng và huấn luyện viên ra gốc cây ngồi tâm sự xong xuôi, mới quay tiếp được.
Khán giả hay đùa rằng chú Shiba home béo tròn là nhờ uống… nước ngọt. Có phải vậy không anh?
Tất nhiên là không rồi! Một trong những món ăn ưa thích của cậu Vàng là… hột vịt lộn. Mỗi khi chú không nghe lời hoặc mất hứng, chỉ cần “hối lộ” chú một quả trứng vịt lộn là lại ngoan ngoãn diễn tiếp.
Cậu Vàng được “nhân cách hoá” chứ không phải thành siêu nhân
Chọn thể hiện nhân cách hoá một chú chó mang lại khó khăn gì cho anh trong quá trình thể hiện nhân vật?
Từ kịch bản văn học của bố vợ tôi, chú chó đã được nhân cách hoá. Chú có mọi cung bậc cảm xúc từ hỉ nộ ái ố. Chú dùng cả bản năng sinh tồn để chống lại cường hào ác bá, bảo vệ cho chủ.
Thế nhưng, cậu Vàng với chúng tôi chỉ là nhân vật trung tâm, dùng để kể lại những mảnh đời khác. Thông qua chú chó, kịch bản dẫn dắt, diễn giải. Bản thân Cậu Vàng trong phim cũng là một con người, số phận chứ không phải siêu nhân. Cậu và các nhân vật khác chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh về xã hội lúc bấy giờ.
Vấn đề cuối cùng phải đề cập là vụ lùm xùm khi admin trang xã hội Cậu Vàng “đốp chát” với khán giả. Nhiều người xem đang cho rằng, bản thân vị admin và ekip mang tư tưởng “thượng đẳng” khi làm phim. Đạo diễn có lý giải gì?
Vụ việc đó là một sự cố đáng tiếc. Bạn admin đó phát ngôn đã không đúng mực và từ góc độ cá nhân. Chúng tôi đã có biện pháp giải quyết nội bộ. Tôi cũng đã đại diện cho hãng phim và dự án xin lỗi khán giả.
Bản thân tôi nhận định, đây là lỗi của cá nhân bạn admin. Mong rằng khán giả hiểu cho ekip, rằng đây chỉ là tai nạn ngoài ý muốn. Hãy nhìn nhận bằng một ánh nhìn nhẹ nhàng và thông cảm cho lỗi lầm của người khác. Mọi người hãy cho sự việc này qua đi và nhìn nhận Cậu Vàng bằng ánh mắt khách quan.
Cậu Vàng được thực hiện với tâm thế tri ân. Mà đã vậy, thì làm phim phải có sự chân thành thì mới gọi là tri ân. Nếu có những suy nghĩ, hành động tiêu cực thì sẽ ảnh hưởng đến giá trị của dự án.